Nhận xét Hiệp_định_Paris_1973

  • Nhà sử học cánh tả Gabriel Kolko, tác giả cuốn "Anatomy of a War: Vietnam, the US and the Modern Historical Experience" nhận định:
Những người Cộng sản đã kiệt lực, tụt xa về số lượng và trang thiết bị so với lực lượng của ông Thiệu, vốn được nhận dòng cung ứng khổng lồ các thiết bị quân sự từ Hoa Kỳ mà rất nhiều trong số đó họ không thể duy trì hoặc vận hành. Những vũ khí mới này không chỉ vi phạm Hiệp định Paris mà chúng còn khuyến khích ông Thiệu có hành động liều lĩnh về quân sự mà cuối cùng đã khiến ông ta thua trận. Thật vậy, thực tế này đã khiến một số người trong quân đội Mỹ kết luận rằng cung cấp thêm vũ khí cho chế độ Sài Gòn là một sự lãng phí tiền bạc (mà nó được chứng minh)...

Một đợt vũ khí, và khoảng 23.000 cố vấn Mỹ và nước ngoài tới dạy cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cách sử dụng và duy trì những vũ khí đó đã khiến ông Thiệu thêm tự tin, và ngày càng tự tin hơn nhờ cam kết bí mật của Nixon rằng không lực Mỹ có thể trở lại tham gia cuộc chiến nếu phía VNDCCH đưa quân trở lại vào miền Nam... Ông Thiệu dùng thời gian ngưng nghỉ mà Hiệp định Paris đem lại để cố gắng củng cố quyền lực của mình và khiến các đồng minh của ông trở nên xa lánh: nhiều người đã trở thành trung lập. Ông Thiệu, trong khi đó, sử dụng nguồn cung ứng dồi dào về vũ khí mà Mỹ đã gửi cho ông, đặc biệt là pháo, và đến năm 1974, các cuộc pháo kích được tiếp tục với quy mô tổng lực (nhưng mà không có sự tham gia của lực lượng Mỹ), với việc Quân Lực VNCH bắn một lượng lớn hơn nhiều so với phía những người Cộng sản... ông tưởng rằng sức mạnh vượt trội về vũ khí sẽ cho phép ông hoàn toàn giành chiến thắng. Ông đã rất sai lầm, và kết cục là phải sống lưu vong khi quân đội của ông tan rã vào mùa xuân năm 1975.[65]

  • Nguyễn Tiến Hưng, Bộ trưởng Kinh tế Việt Nam Cộng hoà nhận xét về sự cưỡng ép của Mỹ để buộc Việt Nam Cộng hoà phải ký hiệp định:
Về sau này tôi mới biết là vào thời điểm đó thì, trong màn bí mật, ông Kissinger đã sắp xếp gần xong mọi chuyện rồi. Vì sắp xếp như vậy không bao giờ ông ta hỏi ý kiến của Việt Nam Cộng hoà một cách thực lòng về những điểm quan trọng. Kissinger nhất định làm một mình, và làm ở Paris. Cho đến thời điểm cuối cùng trước khi Việt Nam Cộng hoà sụp đổ, ngày 26 tháng 4/1975, Kissinger còn đánh điện cho Đại sứ Martin nói là "Bất cứ điều đình nào cũng phải là giữa Hoa Kỳ và phía Bắc Việt Nam chứ không phải giữa Sài Gòn và Hà Nội’’. Ông còn thêm rằng "bất cứ cuộc thảo luận nào cũng phải được diễn ra tại Paris’’[2]
  • Tác giả cuốn "A Bitter Peace: Washington, Hanoi, and the Making of the Paris Agreement", Pierre Asselin, phó giáo sư lịch sử ở Đại học Hawaii Pacific cho rằng:
Hà Nội chiến thắng cuộc chiến Việt Nam, đó là điều chắc chắn, tuy nhiên họ cũng không thắng dựa trên các điều khoản của mình, là thắng một cách vô điều kiện. Việc vi phạm Hiệp định Paris, điều mà phía Mỹ ít nhất đã cố gắng tôn trọng ở mức độ không đưa quân trở lại miền Nam, đã phá vỡ hình ảnh nạn nhân của chiến tranh chỉ muốn độc lập và hòa bình mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dựng lên hơn một thập kỷ qua. Điều đó, cùng với những tình huống khác, đã làm giảm sự đáng tin của Hà Nội trong mắt thế giới, và một phần nào đó giải thích tại sao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lại bị quốc tế bỏ rơi hồi năm 1980. Hiệp định Paris không phải là một "thắng lợi vĩ đại" của Hà Nội; nó là một sự hòa bình cay đắng và cần thiết để tạo những điều kiện dẫn đến chiến thắng nhanh chóng nhưng đầy rắc rối năm 1975.[66]
  • Hélene Luc, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp - Việt, đánh giá về những giá trị của Hiệp định Paris đối với Việt Nam:
Chiến thắng đó là nhờ lòng dũng cảm của nhân dân Việt Nam, cùng sự thống nhất, đoàn kết quốc tế và nhất là sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước. Thành phố Choisy-le-Roi có vinh hạnh đón đoàn Việt Nam, nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho thế giới thấy rằng xung quanh phái đoàn Việt Nam là tình thương yêu, tình đoàn kết quốc tế, Việt Nam không cô đơn.[67]
Là những người yêu chuộng hòa bình từ mọi nơi trên thế giới, chúng tôi rút ra những bài học kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, rằng các dân tộc bị áp bức và chiếm đóng có quyền kháng cự và đấu tranh vì tự do và quyền quyết định vận mệnh của mình không có bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài. Bảo vệ chính các giá trị và nguyên tắc mà chúng tôi từng bảo vệ trong thời gian chiến tranh Việt Nam, chúng tôi tuyên bố đoàn kết với các dân tộc đang đấu tranh cho một thế giới hòa bình và một xã hội công bằng.

Từ Việt Nam, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi bày tỏ niềm tin tưởng rằng tấm gương Việt Nam sẽ cổ vũ các dân tộc trên thế giới đến thắng lợi cuối cùng.[67]

  • Trong Lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định:

{{cquote|...Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ 20; đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ xâm lược.

Cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ của quân, dân ta trên chiến trường và cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris đều nhằm mục tiêu là buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Biết bao đồng bào, đồng chí và chiến sĩ, những người con ưu tú của Tổ quốc đã hy sinh xương máu vì mục tiêu thiêng liêng ấy. Ký kết Hiệp định Paris, Mỹ đã phải công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam; nhân dân ta đã thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược “đánh cho Mỹ cút” mà Bác Hồ kính yêu đã chỉ ra trước lúc Người đi xa. Hiệp định đã mở ra một cục diện mới với thế mạnh áp đảo của ta trên chiến trường, tạo tiền đề vững chắc cho quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hiệp định Paris cũng là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, những người đã đồng hành ủng hộ, giúp đỡ nhân dân ta trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, dõi theo từng diễn biến trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán tại Paris. Hiệp định Paris là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa. Vì vậy, Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do, vì hòa bình và công lý. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam cũng mở ra một giai đoạn mới ở khu vực Đông Nam Á, giai đoạn các nước Đông Nam Á hòa bình, ổn định, khép lại quá khứ thù địch, xích lại gần nhau để sum họp trong cộng đồng ASEAN ngày nay...

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó, trước hết bắt nguồn từ thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng với những nỗ lực phi thường, quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước của quân và dân ta trên các chiến trường, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, phải xuống thang và cuối cùng phải ký Hiệp định Paris. Thắng lợi này mang đậm dấu ấn và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh; có sự đóng góp từ những nỗ lực hết mình của các cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ, cứu nước mà trực tiếp là cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris, cuộc đấu trí thể hiện bản lĩnh kiên cường, thông minh, sáng tạo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam với một nền ngoại giao nhà nghề, sừng sỏ. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris đã phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận chính trị, quân sự; phát huy thắng lợi trên các chiến trường, giữ vững thế chủ động trong đàm phán, liên tục tiến công.

  • Phó chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ngoại trưởng Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh:
Chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, trong đấu tranh luôn luôn giữ vững lập trường, nguyên tắc, trong từng bước đi cụ thể, biết mềm dẻo và linh hoạt – tất cả là nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng: Mỹ phải rút đi hoàn toàn, quân ta vẫn ở tại chỗ, các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam phải được đảm bảo, Việt Nam là của người Việt Nam. Ở đây, cuộc chiến đấu không dùng súng đạn nhưng bằng đấu trí, đấu lý và cả ý chí, cũng vô cùng khó khăn và gian khổ. Các cuộc họp đàm phán bí mật là những trận chiến đấu hết sức quyết liệt. Động lực chính giúp chúng tôi kiên trì đấu tranh và hoạt động tích cực, đó là vì lợi ích tối cao của dân tộc, là niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến của nhân dân ta.[68] Đối với đàm phán Hiệp định Paris, vấn đề Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam thì Mỹ phải chấm dứt xâm lược là nguyên tắc bất biến. Theo đó, Mỹ phải rút quân ra khỏi Việt Nam không điều kiện, để đảm bảo cho độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Dĩ bất biến tức là chúng ta luôn giữ nguyên lập trường đó. Còn “ứng vạn biến” là phải tuỳ thuộc tình hình. Lúc đầu chúng ta nêu ra là phải giải quyết vấn đề quân sự, đồng thời giải quyết vấn đề về chính trị. Nhưng tới một lúc nào đó chúng ta thấy rằng, vị thế của chúng ta trên chiến trường thuận lợi, thì chúng ta có thể đi thêm nhiều bước khác. Đó chính là ứng vạn biến.[69]
  • Ông Trịnh Ngọc Thái, thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris, cho biết:
Cuộc đàm phán Paris về Việt Nam đã trở thành trung tâm chú ý của dư luận thế giới vì cuộc đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tâm điểm của những mâu thuẫn cơ bản của thời đại lúc bấy giờ. Việc ký kết Hiệp định là sự tháo nút cho cuộc chiến tranh ác liệt và lâu dài nhất trên thế giới sau chiến tranh thế giới lần thứ hai...Đàm phán Paris được đánh giá là cuộc đấu trí căng thẳng giữa 2 nền ngoại giao. Đó là nền ngoại giao trên thế mạnh của Mỹ và nền ngoại giao nhân văn của Việt Nam.[69]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hiệp_định_Paris_1973 http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/vietnam/treat... http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/nhun... http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/pari... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/readersopin... http://peacemaker.un.org/lao-ceasefire73 http://www.vietnamembassy-finland.org/vnemb.vn/tin... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/01/1301...